Vấn Đạo

Để giúp đỡ các bạn mới tập thiền, chúng tôi sưu tập một số câu hỏi và trả lời trong các phần sau đây:

  1. Pháp Lý Vô Vi
  2. Phương Pháp Công Phu
  3. Soi Hồn
  4. Niệm Phật
  5. Pháp Luân Chiếu Minh
  6. Pháp Luân Thường Chuyển
  7. Thiền Định
  8. Các Pháp Hành Thêm

< Trở Lại >


1. PHÁP LÝ VÔ VI

1. Hỏi: Vô Vi nghĩa là sao?
Đáp: Vô là không, Vi là nhỏ nhất cũng không. Cho nên chúng ta am hiểu được nguyên lý của Vô Vi thì ở đời không có gì tranh chấp mà tạo khổ cho chính mình. Vô Vi là đi tới chỗ thanh nhẹ. Muốn biết rõ Vô Vi, nhìn mặt Trời nó "không" mà nó sáng. Cái "không" từ bi của mọi người còn sáng hơn nữa, xác nhận rõ con người chế bóng đèn chớ bóng đèn không chế con người được.
2. Hỏi: Chủ trương của Vô Vi là gì?
Đáp: Chủ trương của Vô Vi là tự thức tự khai triển lấy chính mình, mở thức hòa đồng hòa hợp với cả càn khôn vũ trụ, đi tới vô cùng.
3. Hỏi: Làm sao chúng ta có thể biết được một pháp môn là chánh pháp?
Đáp: Pháp môn nào mà khứ trược lưu thanh là chánh pháp. Chúng ta mang cái thể xác trược ô, ăn uống cũng trược, độc tố dẫy đầy, pháp nào giải ra được thì cái pháp đó là chánh. Bất cứ cái pháp nào mà giải được độc tố trong người, cái đó là chánh pháp. Những pháp nào làm gia tăng trược ô, đó là tà pháp bị điều khiển bởi ngoại cảnh.

< Trở Lại >

 

2. PHƯƠNG PHÁP CÔNG PHU

4. Hỏi: Tại sao ngồi thiền thì lưng phải luôn luôn thẳng?
Đáp: Phải thẳng lưng, vì nếu chúng ta khòm thì đau ngực. Vả lại, lưng thẳng mới mở đi lên được, khai thông mạch Đốc dễ dãi hơn. Còn chúng ta ngồi cong lưng không được, vì khí huyết sẽ uất, cho nên phải thẳng lưng luôn luôn.
5. Hỏi: Tại sao trong phần nguyện, mình phải niệm hai câu:
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Di Lạc?
Đáp: Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Quán Thế Âm Bồ Tát: Là luồng điển cực thanh cực mạnh quang chiếu tận độ thế gian. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để hành giả tự thức và tiến hóa. Tây Phương Cực Lạc là thanh giới cũng như Niết-Bàn.
Long Hoa Giáo Chủ Di Lạc: Là luồng điển Di Thiện Tối Lạc. Niệm Long Hoa Giáo Chủ Di Lạc là thức tỉnh phần hồn trở về với sự thanh tịnh để dẫn tiến vạn linh.
6. Hỏi: Tại sao khi hành thiền, lúc nào mình cũng phải ngó giữa hai chân mày và ý tập trung ở đỉnh đầu?
Đáp: Bởi vì chúng ta tu là muốn trở lại ngay thẳng và muốn khám phá tất cả. Chớ còn tu mà đi theo bên tay mặt và theo bên tay trái là giới hạn mức tiến. Chúng ta lấy trung dung, phải ngó ngay để đi tới, và sẽ dẫn tiến tay mặt cũng như tay trái. Bên trong Tiểu Thiên Địa chúng ta, có tả có hữu, có thanh có trược. Nếu chúng ta là chủ nhân ông, ông vua của một Tiểu Thiên Địa mà không công bằng làm sao dẫn tiến được vạn linh? Chúng ta phải đi trung dung, không nghiêng tay mặt, không nghiêng tay trái.
7. Hỏi: Tại sao ngồi thiền lại phải quay mặt về hướng Nam?
Đáp: Phải quay mặt về hướng Nam vì hướng Nam hóa sanh hỏa. Mình tập trung lửa ở trung tim chân mày, thì kêu bằng Hỏa-Hỏa Tương-Giao. Lửa dẫn lửa, phát sáng lẹ hơn, còn lửa kiếm thủy làm sao dẫn được?
8. Hỏi: Tại sao khi thiền xong phải xoa mặt, xoa tai và xoa bóp mình và tay chân?
Đáp: Bởi vì khi thiền, chúng ta ngồi xếp bằng làm Pháp Luân thì điển chạy đều trong cơ thể, mà trong đó liên hệ với hai cái tay, hai cái chân. Điển đang chạy rất mạnh, chúng ta dơ lên có thể động những người khuất lấp đi ngang. Chúng ta phải quy nguyên, trở về bộ đầu, trụ đảnh lên trên này thì mới chuyển xuống thể xác, rồi chúng ta vuốt mặt để quy lại cái luồng điển vô cơ thể. Thanh điển quy lại, và sửa tướng diện của con người trở nên thọ hơn. Rồi mới bóp tay, bóp chân cho điều hòa, cũng như các môn thể thao làm cho thần kinh được xoa dịu trở lại, vậy thôi ! Đó không phải là điều quan trọng của tu. Quan trọng của Tu là Ý Chí và Tâm Thức !

< Trở Lại >

 

3. SOI HỒN

9. Hỏi: Tại sao phải tập Soi Hồn?
Đáp: Soi Hồn là làm cho ổn định thần kinh khối óc của chúng ta. Khi chúng ta sơ sanh giáng xuống thế gian là chúng ta ngây thơ, quy nguyên thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ chúng ta sống với cảnh đời lôi cuốn, làm nhiễu động thần kinh chúng ta càng ngày càng suy yếu thì cái chấn động lực chúng ta mới yếu kém. Phải gom lại để cái chấn động lực mạnh lên. Lúc đó hào quang chúng ta sáng suốt và ổn định hơn. Càng ngày, càng quên tất cả thế sự, trở về chơn tánh trong lúc sơ sanh, thì con người tươi tắn.
Soi Hồn chú ý trung tim chân mày là đường khai mở. Sửa tâm sửa tánh lâu ngày sẽ thành một tập quán tốt, khai triển con mắt thứ ba, nhắm mắt thấy rộng và nhẹ nhàng, thì mới thật sự là buông bỏ.
10. Hỏi: Xin cắt nghĩa thêm Soi Hồn là gì?
Đáp: Trên thế gian này chưa có tôn giáo nào thực hành pháp Soi Hồn, pháp này giúp cho bạn khai mở trung tâm điểm của bộ đầu gọi là Thiên Môn hay Hà Đào Thành và chấn động lực của luồng điển sẽ phát triển mãi mãi đến vô cùng tận. Khi chúng ta đưa hai tay ngang vai, tất cả các thần kinh của ngũ tạng, tim, can, tì, phế, thận, đều hoạt động và toát mồ hôi. Lúc đầu hai ngón tay bịt kín lỗ tai thì người mới tu, tánh còn nóng, cảm thấy lỗ tai nghe ồ ồ. . . tu lâu bạn sẽ không còn nghe ồ ồ nữa, lúc đó bạn cảm thấy tinh thần sáng suốt. . . Người mới tu làm pháp Soi Hồn để khôi phục thần lực đã bị mất đi trong ngày, vì làm việc, vì sinh hoạt chúng ta phải dùng tất cả khả năng sẵn có của chính mình, dùng điển để đổi lấy đồng tiền chén cơm, thì không thể nào không bị suy yếu thần kinh. Khi ta làm việc trở về, ta làm như thế (Soi Hồn) là ta khôi phục lại chấn động lực của khối óc. Khi bạn dùng hai ngón tay cái bịt kín hai lỗ tai là bạn đang hội tụ luồng điển về bộ đầu và tập trung nó vào giữa hai chân mày. Ngón trỏ và ngón giữa của bạn chận lên màng tang nơi chân tóc và ở giữa xương khóe mắt thì luồng điển cũng chuyển chạy về trung tâm chân mày. Khi bạn đã có khả năng tập trung được luồng điển đó rồi thì ánh sáng sẽ phóng ra từ nơi Ấn Đường, trung tâm giữa chân mày, tiến thẳng một đường lên trung tâm của càn khôn vũ trụ. Lúc đó chúng ta càng ngày càng cảm thấy thong thả nhẹ nhàng hơn. Người mới tu nên làm pháp này ít nhứt sáu tháng để chấn chỉnh bộ óc. Sự động loạn đã thu hút trần trược quá nhiều, cho nên chúng ta phải chấn chỉnh khối óc trước tiên. Người mới tu không cần thiết giờ giấc. Giờ rảnh có thể làm pháp Soi Hồn để cho giảm bớt sự động loạn không cần thiết của cuộc đời đau khổ hiện tại.
11. Hỏi: Trong lúc Soi Hồn, tâm trí mình phải như thế nào?
Đáp: Mình cứ co lưỡi và tập trung, ngó thẳng ở trung tim chân mày. Cái ý mình ngó thẳng ngay trung tim chân mày, và trên đỉnh đầu, mình tập trung niệm Nam Mô A Di Đà Phật để cho tất cả những luồng điển của thần kinh quy tụ làm một.
12. Hỏi: Thưa, thông thường thì Soi Hồn từ 5 - 15 phút, tuy nhiên người nào cần Soi Hồn lâu, người nào không cần?
Đáp: Ít nhất năm phút. Từ sự cố gắng mà họ cảm thấy rằng: khi làm tới 15 phút, họ thấy xương sống lạnh mát thì tới 15 phút là đủ rồi. Có nhiều người làm tới nửa giờ, cái đó ngoài sự yêu cầu của pháp lý. Họ thích họ Soi Hồn cảm thấy mát đỉnh đầu, mát xương sống, họ muốn mát hoài. Đó là sở thích của người ta, không ai cản được, nhưng nhiều nhất là 15 phút, ít nhất là 5 phút.

< Trở Lại >

 

4. NIỆM PHẬT

13. Hỏi: Tại sao phải niệm Nam Mô A Di Đà Phật?
Đáp: Mục đích niệm Nam Mô A Di Đà Phật là một liều thuốc khai đại trí, chứ không phải niệm Phật để nhờ Phật độ hay là dụng ý hại người khác. Tự thức là chánh pháp. Pháp lý Vô Vi là tu bằng trí bằng ý. Tu bằng trí bằng ý thì phải biết niệm Phật. Niệm Phật là gom thâu cái chấn động lực trụ hóa phát triển đi lên, kêu bằng trí ý phát triển đi lên, trở về không mới hòa hợp với không giới để tiến hóa được.

Các bạn nên lưu ý:
Niệm, thường niệm, vô biệt niệm, tập lần lần. Chúng ta tập lần lần, niệm, thường niệm, vô biệt niệm là không niệm một cái gì hơn là nhớ nguyên lý Nam Mô A Di Đà Phật. Tất cả càn khôn vũ trụ phối hợp thu ngắn: Nam là lửa, Mô là không khí, A là nước, Di là phát triển, Đà là màu sắc, Phật là linh cảm. Cọng cỏ cũng có bao nhiêu công chuyện đó. Vạn linh đồng nhất. Chúng ta hiểu cái nguyên lý này, chúng ta càng ngày càng áp dụng nhiều hơn, thực hành nhiều hơn. Thế gian có cơ hội thức tâm, hiểu được cái nguyên lý từ cạn đến sâu, từ nặng đến nhẹ thì các bạn mới đạt được quân bình thăng tiến sẵn có của tâm linh.

< Trở Lại >

 

5. PHÁP LUÂN CHIẾU MINH

14. Hỏi: Nên tập Pháp Luân Chiếu Minh vào lúc nào, và công dụng của Pháp Luân Chiếu Minh?
Đáp: Sau khi ăn cơm hai tiếng đồng hồ là làm được. Công dụng của Pháp Luân Chiếu Minh là điều hòa cơ tạng và giúp cho tứ chi ấm áp.
Pháp Luân Chiếu Minh sẽ sửa trị cơ tạng trở lại thanh nhẹ thì con người mới được vui. Pháp này giúp cho bộ ruột sa thải nhiều độc tố nên cơ thể khỏe và có giấc ngủ ngon, sáng đi làm nhẹ nhàng. Pháp này còn giúp gia tăng sự kiên nhẫn trong lúc làm việc, hay nhận xét việc gì thì cũng rất bình tâm vì cái hỏa can (gan) được giải, bộ ruột được thông, cái óc được nhẹ.
15. Hỏi: Tại sao khi thở Pháp Luân Chiếu Minh thì phải chú ý đến cái rún?
Đáp: Tại sao bạn phải nghĩ đến cái rún? Nghĩ đến rún là chủ ý tới trái thận, vì thận với rún liên hệ trực tiếp với nhau. Khi ta hít đầy như thế này, cái hơi nó ép phía đàng sau, khi ta thở ra thì cái hơi nó ép ra sau. Hai hơi hít ra và thở vô là một hơi thở liên tục. Nó nhập lại chúng ta phải liên tiếp thở cái thứ hai để thành lực lượng mạnh, ép cái trược khí của trái thận và trược khí của ngũ tạng và sẽ đẩy nó ra theo đường đại tiện, tiểu tiện, hay các lỗ chân lông.
Lúc thở chiếu minh, trong khi bạn chú ý tới cái rún là bạn tập trung vào thể vía của các bạn. Sự liên kết sẽ giúp cho phần hồn và thể vía của bạn có cơ hội tương hội với nhau, một khi mà trật tự của thể xác bạn đã lập lại được sự quân bình. Đối với người mới tu, đối với thanh niên tập thể thao là những người hay hít vô ngực, kêu hít vô bụng thì thấy khó khăn. Nhưng tập tùy theo khả năng của mình. Sau này cố ý phải hít cho kỳ được thì hít vô là phải đầy rún.

< Trở Lại >

 

6. PHÁP LUÂN THƯỜNG CHUYỂN

16. Hỏi: Pháp Luân Thường Chuyển để làm gì?
Đáp: Là hít thanh khí điển cả càn khôn vũ trụ vô để hỗ trợ cho tiểu thiên địa này giải thông ngũ tạng, ngũ kinh. Lấy cái gì để giải? Lấy thanh khí điển, lấy sự nhẹ để giải cái nặng. Còn lấy cái nặng giải sự nhẹ thì chỉ làm hư thôi, không tiến được.
17. Hỏi: Tại sao khi làm Pháp Luân Thường Chuyển phải ra lệnh: "đầy rún, đầy ngực, tung lên bộ đầu"?
Đáp: Cái thở của thể thao là phải hít vô giữ đầy ngực để cho hai tay mạnh đánh đối phương. Còn ở đây, mình hít vô để khai thông Đốc Mạch; từ đàng sau xương sống, xương khu, xương cụt, đi lên tới môi đằng trước, là cái vòng chuyển cả tiểu vũ trụ của bản thể mình hòa hợp với đại vũ trụ, kêu là Đốc Mạch.
Đốc Mạch thông, khai triển tới Nhâm Mạch, con người mới đi tới diệt dục. Đi một vòng mới là dẫn tiến, mở đường cho phần hồn tiến hóa.
Cho nên phải ra lệnh: "hít vô đầy rún". Tại sao "phải đầy rún"? Cái rún đối chiếu với cái thận. Khi các bạn ngồi xếp bằng, thì cái thận phải cần thủy, nước quy hội về trái cật trị bệnh đau lưng. Hít vô đầy rún thì đem sức ấm vô sưởi trái cật, rồi từ trái cật mới thông suốt từ xương sống đi lên tới môi trên. Khi châm cứu, tại sao người ta nói: "A ! Tôi đau lưng dữ quá !" Chích một mũi ngay môi trên, lưng lại hết đau? Bởi vì điểm này thuộc luồng Đốc Mạch, không cần chích sau lưng, mà người ta chích môi trên là hết đau lưng.
Tiếp theo Đốc Mạch là Nhâm Mạch, khi hai luồng khí điển đó chuyển lên, nhắm con mắt, thấy mình xuất đi ra. Làm Pháp Luân phải hít vô như vậy mới mở được. Lấy lực lượng cả càn khôn vũ trụ để mở và dẫn tiến, đưa chúng ta đi. Rõ rệt đường lối như vậy mới kêu bằng xuất, còn ngồi đây mà tưởng tượng tôi đi. Đó là ảo ảnh ! Còn ở đây, thật sự phải làm sao để mở, để đi ra. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi !
18. Hỏi: Khi làm Pháp Luân Thường Chuyển thì chú ý ở đâu?
Đáp: Luôn luôn phải chú ý trung tim chân mày (Chú Ý: Đối với người mới tu trước 6 sáu tháng, thì luôn luôn phải chú ý trung tim chân mày. Còn sau 6 tháng, khi hành giả có thể trong ý nhìn thẳng từ giữa trung tâm hai chân mày tới trước, mà vừa tập trung trên đỉnh đầu – Khi có điển và trung tim bộ đầu đã được “kích hoạt” thì việc này sẽ tự động và hồn nhiên, không cần phải cố gắng.). Tánh tình con người hay gian trá, cần tập trung ngay trung tim chân mày để sửa tánh hư tật xấu.
19. Hỏi: Tại sao khi làm Pháp Luân Thường Chuyển, nếu hơi thở ngắn, không dài xuống tới bụng, và bị đứt quảng hoặc không tung lên bộ đầu được là tại sao?
Đáp: Đó là làm chưa đúng, hít hơi vô bụng không được. Phải làm Chiếu Minh trước. Tập nằm hít, rồi mới ngồi làm Pháp Luân; còn không tập được nằm hít, ngồi làm Pháp Luân vô ích.
20. Hỏi: Những người mới tu, khi ra lệnh "Đầy rún đầy ngực tung lên bộ đầu" nhưng chưa làm được như vậy. Có cách nào để thở cho đúng không?
Đáp: Muốn có trật tự thì phải tập ra lệnh niệm Phật đều đặn để cho đại trí phát triển thì mới điều khiển được lục căn lục trần trong xác người mới tu. Con ma lười biếng trấn nơi những huyệt đó. Nếu chúng ta không thường niệm Phật để xây dựng cho vạn linh tiến hóa thì rất khó điều khiển ở bên trong.

< Trở Lại >

 

7. THIỀN ĐỊNH

21. Hỏi: Thiền Định là gì?
Đáp: Thiền là cho phẳng lặng tất cả mọi sự việc và sự thanh hướng về thanh, trược lắng về trược. Thanh là chấn động lực của bộ đầu, phải thả lỏng cho nó phóng lên tới vô cùng tận và trược tự nó phải lắng trong. Trong khi Thiền Định, ngứa mình chỉ nên niệm Phật, tê chân cũng chỉ niệm Phật. Ngồi Thiền Định càng lâu càng tốt, trong lúc ngồi, những vị bộ đầu rút nhẹ có thể ngủ ngồi. Bộ đầu càng rút nhẹ chừng nào thì ta càng dễ đi vào giấc ngủ mê chừng đó, trong mê có tỉnh. Ngồi đây nhưng ai nói gì cũng nghe, cái đàng trước mắt chúng ta, ngay trung tâm chân mày, cái gì chúng ta cũng thấy. Nhưng cảnh bên trên chúng ta thấy rõ rệt. Ngồi đúng thì mặt mày thấy vui tươi, ngồi không đúng thì mặt mày thấy buồn bực.
22. Hỏi: Tại sao mình phải hành thiền vào khoảng thời gian từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng?
Đáp: Giờ đó đem lại sự thông minh. Không phải chỉ đối với những người thiền mà thôi, mà những người làm chánh trị, làm cách mạng, họ cũng lựa 0 giờ để ngồi suy nghĩ ra nhiều việc hơn. Giờ đó mới chứng minh sự giao cảm của càn khôn vũ trụ, và đem lại sự thông minh thanh nhẹ cho con người.

< Trở Lại >

 

8. CÁC PHÁP HÀNH THÊM

23. Hỏi: Xin cho biết sự lợi ích của Thể Dục Trợ Luân?
Đáp: Thể Dục Trợ Luân hỗ trợ cho những bệnh áp huyết cao, dư máu và những bệnh trĩ, khi chúng ta chú ý con trê (hậu môn) và rút con trê (hậu môn) lên. Khi các bạn bật hai bàn tay lên và đưa tay ra phía sau, thì giúp cái huyệt ở cổ tay hoạt động, làm cho cái đầu ổn định, mấy ngón chân co lại là cũng chạy lên óc. Phải chú ý và co rút con trê lên mỗi khi đưa tay lên phía sau. Một lần làm ít nhất 15 phút thì mồ hôi nó ra đầy mình hết, khỏe vô cùng. Người nào không có đồng hồ có thể đếm 300 cái một lần. Từ từ, không có nôn nóng.
24. Hỏi: Tại sao cái gì của bên Vô Vi cũng kêu từ từ?
Đáp: Là để con người học lại cái nhẫn mà thôi. Chúng ta giáng trần nhiều kiếp chỉ học có chữ nhẫn mà tới nay chưa xong. Tu cũng muốn mau và cái gì cũng muốn mau hết. Mất cái chữ nhẫn. Có mau đi nữa mà thiếu cái sáng suốt thì làm được việc gì ! Chúng ta vạn sự phải từ từ khai triển trong thanh tịnh.
25. Hỏi: Xin cho biết sự lợi ích của việc lạy kính Vô Vi?
Đáp: Chúng ta lạy 50 lần để điều hòa kinh mạch trong bản thể, khi cúi xuống và khi đứng lên, điển năng được dung hòa và ổn định. Pháp này làm cho khỏe mạnh, tim gan tốt. Những người tu Vô Vi có thể tập phương pháp lạy này để tự dẹp bỏ tự ái.
26. Hỏi: Ý nghĩa của Kính Vô Vi là gì?
Đáp: Kính Vô Vi là biểu trưng cho thanh quang của cả càn khôn vũ trụ và cũng là biểu trưng cho lòng trung nghĩa.
27. Hỏi: Tại sao phải tập Mật Niệm Bát Chánh?
Đáp: Mật Niệm Bát Chánh là dành cho người nào có điển, để kiểm điểm luồng điển của mình phát triển đúng đường hay không? Những người tu lâu, niệm tới điểm nào thì điểm đó bật sáng lên. Còn những người tu chưa đạt được kết quả cao thì chỉ chạy tê tê một chút thôi.

< Trở Lại >